Sự kiện ông David Dương thắng thầu hợp đồng thu gom và xử lý
chất thải cho thành phố được báo chí Mỹ ví như câu chuyện chàng David tí hon
đánh bại gã khổng lồ Goliath.
18h ngày 30/7/2014,
trụ sở Hội đồng thành phố Oakland đông nghẹt người chứng kiến phiên điều trần
quyết định giao hợp đồng thu gom và xử lý chất thải trị giá 2,7 tỷ USD giữa
Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty Waste Management (WM). Hợp
đồng thực hiện trong 20 năm, bắt đầu từ tháng 7/2015.
Ngoài lý do giá trị
hợp đồng quá lớn, cuộc đấu này còn được chú ý vì chênh lệch tương quan giữa
Công ty CWS do ông David Dương, một người gốc Việt làm chủ với Công ty WM -
công ty xử lý chất thải lớn nhất Mỹ.
Trong 5 giờ điều trần,
đại diện 2 công ty lần lượt phát biểu, tranh luận để thuyết phục Hội đồng thành
phố. Kết quả, Công ty CWS của ông David Dương thắng thầu tuyệt đối với 8/8
phiếu.
Tổng giám đốc CWS
David Dương cho biết vì là công ty nhỏ nên ông gặp không ít khó khăn trong quá
trình đấu thầu kéo dài 3 năm. Từ năm 2011, Oakland đã kêu gọi đấu thầu cho tất
cả các công đoạn: tiếp nhận rác, thu gom xử lý rác, thu gom xử lý phế liệu, thu
gom xử lý rác cây xanh và thu gom xử lý chất thải thực phẩm. Thời điểm đó có 7
công ty đăng ký dự thầu nhưng đến giờ chót chỉ còn 2 là CWS và WM.
Ông David Dương cùng với các đồng sự trong chiến thắng giành
được hợp đồng 2,7 tỷ USD tại Mỹ
|
Năm 2012, Hội đồng
thành phố mở thầu, sau đó yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường Oakland thương lượng
lại với 2 công ty. Cuộc thương lượng kéo dài trong 2 năm. Đến ngày 29/5/2014,
Hội đồng họp bầu chọn công ty có giá thấp nhất và phục vụ tốt nhất.
Sở Tài nguyên Môi
trường Oakland đề nghị giao tất cả các hợp đồng cho Công ty WM vì có giá rẻ
hơn. Lúc này, CWS của ông David Dương phải chứng minh cho Hội đồng Thành phố
thấy không có sự công bằng trong quá trình đấu thầu. Công ty CWS bị Sở Tài
nguyên Môi trường áp đặt tiêu chuẩn cao nên giá bỏ thầu cao hơn, trong khi WM
có giá thấp vì áp dụng tiêu chuẩn thấp hơn. Chính điều này dẫn đến phiên điều
trần ngày 30/7/2014. Lần này, Sở Tài nguyên Môi trường TP Oakland báo cáo CWS
có giá rẻ hơn WM khoảng 10 triệu USD mỗi năm nên CWS đã thắng thầu.
Hội đồng thành phố
Oakland tiếp tục mở phiên điều trần lần thứ hai lúc19h ngày 13/8 để 2 công ty
phản ánh thêm về những ưu khuyết điểm của nhau, nghị viện Thành phố có thể suy
nghĩ lại trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Sau 2 giờ điều trần,
Hội đồng biểu quyết với một phiếu chống và 7 phiếu thuận, chính thức giao hợp
đồng thu gom và tái chế rác trị giá 2,7 tỷ USD cho CWS. Đây là hợp đồng lớn
nhất của Oakland lần đầu tiên giao cho một công ty gia đình người Việt.
Theo ông Dadvid Dương, một trong những nguyên nhân giúp CWS
thắng thầu là nhờ sự ủng hộ của cộng đồng dân cư, nơi tên tuổi ông và gia đình
đã được biết đến trong ngành thu gom, xử lý rác thải hơn 30 năm qua.
Khoảng năm 1976, gia
đình ông Dương Tài Thu, chủ hãng giấy Cogido nổi tiếng đất Sài Gòn trước 1975
quyết định rời Việt Nam sang Mỹ và chọn San Francisco làm nơi định cư.
Những tháng ngày đầu
tiên nơi đất khách không dễ dàng, song bù lại ông Thu có máu kinh doanh, nhìn
ra cơ hội kiếm thêm thu nhập cho cả gia đình từ những bọc rác vứt ở các tòa nhà
mỗi khi đêm xuống. Ông chính là cha của Dương Tử Trung - David Dương.
David Dương kể: “Ở Mỹ,
80% rác là phế liệu có thể tái chế, chính vì thế hàng đêm cả gia đình tôi đều
chia nhau đi nhặt phế liệu về bán. Còn ban ngày, mỗi thành viên vẫn người đi
học, người đi làm. Nhưng nghề làm thêm này bị cạnh tranh bởi một nhóm
người Mỹ gốc Đức. Họ không nhặt trong bao rác, mà ỉ đông cướp những thứ mà
người nhà chúng tôi nhặt được".
Không chịu cảnh bị
cướp mãi, cả gia đình có lần đã ẩu đả với nhóm này và phải ra hầu tòa. Vì không
có ngoại ngữ nên hình phạt mà cả gia đình phải chịu là học tiếng Anh ít nhất 2
tiếng mỗi ngày. Nhưng cũng từ đó mà gia đình có thể mở rộng công việc thu gom
phế liệu vì nhóm người kia thường tránh đụng mặt sau vụ hầu tòa.
Công việc cứ thế diễn
ra, nhưng ông Thu lại muốn có thu nhập cao hơn. Ông quyết định mua một chiếc xe
tải cũ để thu gom rác khắp thành phố, nhưng phải mua trả góp vì cả gia đình
không có nổi 2.000 USD.
Một chiếc xe tải chở
theo 11 con người rong ruổi trên mọi nẻo đường, mọi ngóc ngách. Cứ thế, từ chỗ
11 người đi chung một xe, dần dần mỗi người đã có xe riêng.
Tuy nhiên, khi xe có,
phế liệu thu gom được nhiều thì công ty thu mua phế liệu lại làm khó về thời
gian giao hàng, vì chính những công ty này cũng là công ty làm phế liệu.
Một lần nữa, ông Thu
lại nghĩ ra cách thuê nhà kho. Cả nhà thu gom trong một tuần, cuối tuần xin cái
hẹn đến bán, nhưng rồi cũng bị ép vì họ không mua hết hàng. Vậy là ông quyết
định sang Đài Loan tìm đối tác xuất trực tiếp. Nhờ từng làm nghề này ở Việt Nam
nên ông Thu có khá nhiều mối quan hệ với bạn hàng. Ông cùng cả gia đình gom góp
vốn, mua một cái máy đóng kiện xuất hàng trực tiếp qua Đài Loan. Công việc làm
ăn ngày một tốt lên. Năm 1983, ông Thu quyết định thành lập Công ty Cogido
Paper Corporation và giao cho con trưởng là David Dương làm giám đốc.
Năm 1989, khi công ty
đang làm ăn phát đạt, một số công ty bắt đầu chú ý đến công ty của gia đình
David Dương, họ muốn mua lại với mức giá vài triệu USD. Khởi đầu với 700USD, nay
được chào mua với giá vài triệu USD nhưng với điều kiện cho nợ 2 triệu USD. Cả
gia đình David Dương họp lại rồi quyết định bán, nhưng cũng kèm điều kiện David
ở lại làm giám đốc cùng một người em trai và một người chú làm việc trong 7 năm
để thu nợ.
Nhưng chỉ làm được
chừng một năm, những ông chủ mới muốn đuổi cả 3 chú cháu David Dương ra khỏi
công ty, vì họ đã học được nghề làm phế liệu, xuất khẩu phế liệu. Chủ mới tìm
mọi cách đưa 3 chú cháu xuống thu gom rác bẩn từ những người vô gia cư phóng uế
và thải ra trong một nhà kho. Em trai và chú của David Dương kiên quyết xin
nghỉ việc.
Chấp nhận thách thức,
David Dương quyết ở lại làm việc trong sự nhẫn nhịn. Sau một thời gian, chủ mới
chuyển ông qua làm quản lý cho 6 nhà máy cũ của họ. Công việc chưa vào guồng
David Dương lại được chuyển sang làm marketing, bán hàng phế liệu, phân bón…
Cũng nhờ đó, ông phát hiện ra tình trạng gian dối của ban giám đốc và
quyết định nghỉ việc, nhưng kèm điều kiện chủ doanh nghiệp phải trả hết số tiền
nợ. Nhưng gia đình cũng chỉ nhận được 25% của tổng số tiền còn thiếu cùng một
số thiết bị cũ để có thể thành lập lại công ty.
Chỉ sau 3 ngày tiếp
nhận, nhà kho chứa thiết bị đã bị cháy do tàn thuốc của một người vô gia cư.
Mọi thứ tưởng như đã kết thúc. Cũng vào thời điểm đó, biết được TP Oakland bang
California đang tổ chức đấu thầu thu gom rác phế liệu nên David Dương quyết
định thành lập công ty. Đầu năm 1991, CWS ra đời và đã trúng được gói thầu đầu
tiên về thu gom rác phế liệu cho một nửa thành phố trị giá vài chục triệu USD.
Tiếp đó, công ty trúng gói thầu thứ 2 trị giá vài trăm triệu USD, đánh bại đối
thủ đứng hàng thứ 4 của Mỹ trong ngành môi trường là Công ty Norcal Waste
Systems vào năm 2006 với 10/10 số phiếu bầu của Hội đồng TP San Jose.
Công việc dần tốt lên,
David Dương xây dựng được nhiều mối quan hệ, giúp CWS có mặt tại 8 thành phố
của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ kinh doanh phế liệu, quản lý, thu gom và tái
chế rác thải, vận hành các nhà máy tái chế rác thải... Ngoài ra, CWS còn kinh
doanh vật liệu tái chế trên thị trường Mỹ và quốc tế.
Năm 2003, lãnh đạo TP HCM dẫn đoàn đại biểu sang Mỹ kêu gọi đầu
tư, đặc biệt trong ngành xử lý rác thải. Cuộc gặp với lãnh đạo thành phố khiến
David Dương quyết định về quê hương đầu tư.
Năm 2005, Công ty TNHH
Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) 100% vốn nước
ngoài do David làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã được thành lập và đi vào
hoạt động tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM, trên diện tích 128ha với
công suất xử lý 10.000 tấn mỗi ngày. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD,
và đến năm 2013 là 150 triệu USD, bao gồm các hạng mục: Khu chôn lấp công nghệ
cao; nhà máy xử lý nước rỉ rác áp dụng công nghệ màng lọc thẩm thấu ngược kép
và màng vi lọc sinh học; nhà máy phân loại tái chế, chế biến phân compost, sản
xuất điện từ khí metan của rác thải công suất 12MW…
Sau khi được chọn làm
nhà đầu tư cho Dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa, tỉnh
Long An với công nghệ hiện đại, David Dương bắt tay vào thực hiện với quy mô
1.760 ha, công suất xử lý 40.000 tấn mỗi ngày, vốn đầu tư hơn 700 triệu USD.
Vòng đời của dự án 75 - 100 năm, đảm nhận xử lý rác thải, chất thải rắn phát
sinh của TP HCM, Long An và 8 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Mục tiêu lớn của David
Dương là xử lý dứt điểm vấn đề rác thải đang trở nên ngày càng bức xúc. Ông cho
đây điều thú vị, dù thách thức: “Cạnh tranh bằng công nghệ là ưu tiên số một.
Dù lợi nhuận thế nào, chúng tôi luôn phải dành một khoản thích đáng đầu tư cho
công nghệ. Hễ có công nghệ mới, chúng tôi muốn mình là người áp dụng đầu tiên”,
David Dương khẳng định.
(vnexpress.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét